[CK Cho Người Mới] Phần 8: Cách chọn Cổ Phiếu Đầu Tư

ĐĂNG TIN MUA BÁN CHO THUÊ NHÀ ĐẤT BẤT ĐỘNG SẢN TRÊN THONGKENHADAT

Một doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng tốt thường xuất hiện một vài các dấu hiệu như: đột biến doanh thu lợi nhuận, rào cản ngành lớn, ban lãnh đạo tận tâm, ngành nghề hưởng lợi, có nhiều quỹ quan tâm, chất lượng tài sản tốt, thanh khoản giao dịch lớn. Dưới đây là 10 dấu hiệu rất quan trọng trong quá trình đánh giá doanh nghiệp, bài viết khá dài nhưng rất chi tiết, bạn đọc hãy nghiên cứu hết nhé.

Sau mỗi quý (3 tháng) và kết thúc năm tài chính, các doanh nghiệp sẽ công bố báo cáo tài chính quý và năm, báo cáo tài chính cung cấp cho nhà đầu tư các thông tin về: nguồn vốn, nợ vay,  kết quả kinh doanh, lưu chuyển tiền… Thông qua báo cáo tài chính sẽ đánh giá được mức tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, tiềm năng mở rộng, rủi ro tiềm ẩn (nợ, khấu hao, tồn kho, phải thu…) là cơ sở rất quan trọng để ra quyết định đầu tư. Một số tiêu chí để ra quyết định đầu tư là:

Bài viết hiện tại: [CK Cho Người Mới] Phần 8: Cách chọn Cổ Phiếu Đầu Tư

  • Doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tích cực.
  • Doanh nghiệp có tài sản bằng tiền mặt lớn và có đủ năng lực để mở rộng hoặc phát triển dự án mới.
  • Doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt lớn và đều đặn.
  • Doanh nghiệp có báo thường niên và bản cáo bạch tốt, tiềm ẩn nhiều cơ hội đầu tư.

1. Chọn cổ phiếu của Doanh nghiệp có tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tích cực

– Dù doanh nghiệp được hoạt động và điều hành như thế nào thì kết quả đều phản ánh rất rõ ở doanh thu và lợi nhuận, và đây là nhân tố quan trọng nhất khi chọn cổ phiếu. Cổ phiếu tốt là cổ phiếu có mức tăng trưởng lợi nhuận đều đặn, nghĩa là lợi nhuận kỳ sau > kỳ trước (1 kỳ thường là 1 quý hoặc 1 năm). Căn cứ vào đó có thể dự đoán được triển vọng doanh thu và lợi nhuận tương lai, giúp loại bỏ được cổ phiếu xấu.

– Ta thường quan sát các thông số để đánh giá tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong báo cáo kết quả kinh doanh là:

  • Doanh thu thuần về bán hàng và các dịch vụ.
  • Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ.
  • Lãi suất cơ bản trên một cổ phiếu (EPS), Mức PE (giá hiện tại/ EPS) còn thấp so với thị trường chung và các doanh nghiệp cùng ngành.

[CK Cho Người Mới] Phần 8: Cách chọn Cổ Phiếu Đầu Tư

Kết quả doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cổ phiếu VJC

Phân tích chi tiết báo cáo tài chính sẽ được đề cập ở Chuyên đề: Phân tích cơ bản Doanh nghiệp.

2. Chọn cổ phiếu của Doanh nghiệp có tài sản bằng tiền mặt lớn

– Tiền mặt phản ánh sức khoẻ doanh nghiệp, tiền mặt nhiều giúp doanh nghiệp trả được các khoản nợ và đầu tư cho sản xuất. Ngược lại khan hiếm tiền mặt mà nợ vay đã cao dẫn đến:

  • Mất cân đối tài chính.
  • Thiếu hụt vốn lưu động.
  • Mất khả năng trả nợ ngân hàng.
  • Mất khả năng hoạt động liên tục.
  • Không trả được cổ tức bằng tiền.

– Quan sát và đánh giá lượng tiền mặt ở mục ”tiền và các khoản tương đương tiền” trong bảng cân đối kế toán, phần ”tài sản ngắn hạn”. Ngoài ra cũng có thể xem các khoản mở rộng đầu tư dự án mới tại mục ”Tài sản dở dang dài hạn” trong phần ”tài sản dài hạn”.

[CK Cho Người Mới] Phần 8: Cách chọn Cổ Phiếu Đầu Tư

Tài sản ngắn hạn và dài hạn của cổ phiếu VJC

3. Chọn cổ phiếu của Doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt lớn và đều đặn.

– Cổ tức là lợi nhuận trả trên cổ phiếu của doanh nghiệp cho cổ đông (nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu). Nhà đầu tư thường chọn doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt vì:

  • Doanh nghiệp có mức chi trả cổ tức cao sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư.
  • Khi doanh nghiệp trả cổ tức thì cổ phiếu sẽ biến động tích cực do hấp dẫn.
  • Cổ tức bằng tiền mặt sẽ giúp nhà đầu tư tái đầu tư.
  • Trả cổ tức bằng tiền chứng tỏ doanh nghiệp làm ăn có lãi tốt, lượng tiền mặt dồi dào và minh bạch.

[CK Cho Người Mới] Phần 8: Cách chọn Cổ Phiếu Đầu Tư

VNM là một trong những doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt rất hấp dẫn

– Khi lợi nhuận chênh lệch do giá cổ phiếu tăng giảm không đáng kể thì cổ tức là vấn đề quan tâm. Ngoài ra cổ tức là một trong những tiêu chí quan trọng cho đầu tư trung và dài hạn. Vì vậy nên lựa chọn doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, trả cổ tức bằng tiền mặt cao và đều đặn. Nếu doanh nghiệp bé mà trả cổ tức cao thì không nên chọn vì sau khi trả cổ tức sẽ không có vốn hoạt động.

4. Chọn cổ phiếu của Doanh nghiệp có báo cáo thường niên và bản cáo bạch tốt, tiềm ẩn nhiều cơ hội đầu tư.

– Báo cáo thường niên (annual reports) là báo cáo định kỳ hàng năm do doanh nghiệp công bố. Nội dung đề cập kết quả hoạt động năm vừa qua và kế hoạch tài chính năm tới.

– Bản cáo bạch (prospectus) là bản thông báo thông tin niêm yết trên sàn chứng khoán. Bao gồm thông tin doanh nghiệp, mục đích phát triển, cam kết của doanh nghiệp và quyền lợi cổ đông…

– Cần chú ý các thông tin sau trong báo cáo:

  • Nhìn lại kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh trong năm vừa qua để đánh giá tốc độ tăng trưởng, qua đó dự báo cho năm tiếp theo.
  • Đánh giá khả năng hoàn thành kế hoạch của các năm trước, qua đó dự đoán doanh nghiệp có khả năng hoàn thành kế hoạch trong năm tới hay không.
  • Dự đoán lợi nhuận được ghi nhận vào thời gian nào trong năm và vào năm nào.
  • Nắm được chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiềm năng mở rộng thị phần hoặc phát triển doanh nghiệp.
  • Hiểu được rủi ro có thể xảy ra và phản ứng kịp thời.

– Cần đọc kỹ thông tin về công ty để đầu tư và phân loại theo các nhóm chính sau:

  • Doanh nghiệp sản xuất: Sản xuất bán hàng đến đâu thì sẽ ghi lợi nhuận ngay, nếu nhà máy mới đi vào hoạt động cần chú ý tới khấu hao.
  • Doanh nghiệp thuỷ sản: Ghi nhận doanh thu sản xuất theo vụ xuất khẩu, hàng tồn kho nhiều và nợ vay lớn.
  • Doanh nghiệp bất động sản: Hay để lại lợi nhuận cho quý sau và làm giá cổ phiếu chạy trước khi ra báo cáo chính thức. Chú ý cách thức ghi nhận doanh thu trong bất động sản.
  • Doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính: Doanh thu và lợi nhuận thường theo chu kỳ của nền kinh tế và phụ thuộc vào chính sách vĩ mô.

Chú ý: Báo cáo tài chính định kỳ, bản cáo bạch, báo cáo thường niên đều được cập nhật trên trang web của công ty, trang web của sở giao dịch chứng khoán và các trang tài chính lớn.

5. Chọn cổ phiếu của doanh nghiệp đang có vị thế dẫn đầu trong ngành.

+ Công ty đầu ngành có lợi thế cạnh tranh cao hơn, cổ phiếu đầu ngành là cổ phiếu của công ty đang đứng đầu ngành về doanh thu và thị phần. Có mức sinh lợi vượt trội so với các công ty cùng ngành và thị trường chung (VNIndex hoặc HNXIndex).

+ Cổ phiếu đầu ngành có các đặc điểm:

  • Đóng vai trò dẫn dắt và được giới đầu tư chú ý.
  • Công ty có uy tín và năng lực cạnh tranh lớn.
  • Công ty sở hữu sản phẩm chiếm thị phần cao.
  • Có lợi thế trội hơn hẳn so với công ty cùng ngành nghề.

[CK Cho Người Mới] Phần 8: Cách chọn Cổ Phiếu Đầu Tư

Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2018 (Nguồn: VNR)

5.1. Các cổ phiếu đầu ngành của các ngành nghề hiện nay

  1. Ngành dược phẩm: TRAPHACO (TRA), Dược hậu giang (DHG), Dược OPC (OPC).
  2. Ngành cao su: Cao su Phước Hoà (PHR), cao su Đồng Phú (DPR), Cao su Miền Nam (CSM), Cao su Đà Nẵng (DRC).
  3. Ngành thép: Hoà Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG)
  4. Ngành năng lượng – hoá chất dầu khí: Gas Việt Nam (GAS), Khoan và dịch vụ dầu khí (PVD), (PVS), (PVC), (DPM), (PVN), (PVX).
  5. Ngành thực phẩm – đồ uống – tiêu dùng: Sữa VN (VNM), Vinacofe Biên Hoà (VCF), Masan (MSN), SaoTa (FMC), Tường An (TAC), (HVG), Thuỷ sản Nam Việt (ANV), Kinh Đô (KDC), Bibica (BBC), Hải Hà (HHC), Chương Dương (SCD).
  6. Ngành taxi – vận tải: Ánh Dương VN Vinasun (VNS), Thuận Thảo (GTT),(PVT), GemaDept (GMD), (VSC), Hà Tiên (HTV).
  7. Ngành bảo hiểm: Bảo Việt (BVH), CP tái bảo hiểm quốc gia VN (VNR).
  8. Ngành khoáng sản: KS Lào Cai (LCM), KS Bình Định (BMC), Vinacomin.
  9. Ngành nhựa: Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa TN Tiền Phong (NTP).
  10. Ngành mía đường: Mía đường Lam Sơn (LSS), Bourbon Tây Ninh (SBT), Thành Công (SBT).
  11. Ngành chứng khoán: CK Sài Gòn (SSI), CK HCM (HCM), VNDirect (VND), (FPT), (SHS), (KLS), (IVS), (BVS).
  12. Ngành BĐS – xây dựng: Vinagroup (VIC), Tập đoàn FLC (FLC).
  13. Ngành dệt may: May Thành Công (TCM), (GMC), (GIL).
  14. Ngành điện tử, điện lạnh: Điện lạnh (REE).
  15. Ngành bán lẻ: PNJ, MWG.
Xem thêm:   4 Phương pháp đầu tư chứng khoán hiệu quả cho nhà đầu tư cá nhân | Stock Farmer

5.2. Kết luận: Nên tập trung vào cổ phiếu đầu ngành vì khi các doanh nghiệp chính thức công bố kết quả kinh doanh, thị trường sẽ có sự phân nhóm rõ nét. Những doanh nghiệp có tỷ lệ vốn vay thấp, thị phần tiêu thụ lớn, duy trì được kết quả kinh doanh tốt với tốc độ tăng trưởng ổn định sẽ hút các nhà đầu tư lớn. Vì vậy nên đầu tư trung và dài hạn đối với các cổ phiếu đầu ngành.

6. Chọn cổ phiếu của Doanh nghiệp có ban lãnh đạo tâm huyết và tài năng.

Để đánh giá được ban lãnh đạo của một doanh nghiệp cần phân tích cơ cấu cổ đông của công ty, tìm hiểu rõ lịch sử, trình độ, cách điều hành của ban lãnh đạo và các cá nhân hoặc tổ chức có sở hữu phần lớn cổ phiếu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên trước khi vào phân tích cơ cấu cổ đông, chúng ta cần hiểu cách phân loại các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Về cơ bản được chia thành hai nhóm chính là Doanh nghiêp tư nhân và Doanh nghiệp nhà nước.

6.1. Sự khác nhau giữa Doanh nghiệp tư nhân và Doanh nghiệp nhà nước.

6.1.1. Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp mà nhà nước nắm hết cổ phần (nắm 100%), các công ty nắm giữ thường là: Ngân hàng nhà nước Việt Nam (SBV), tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng CT đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

– Tuy nhiên theo lộ trình thoái vốn của chính phủ, đã có nhiều doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa và được bán vốn ra công chúng, lượng bán ra phụ thuộc vào lộ trình của mỗi doanh nghiệp. Ví dụ: Các doanh nghiệp mà nhà nước đang nắm giữ lượng lớn cổ phần là: Ngân hàng Viettinbank (CTG), Tập đoàn Bảo Việt (BVH), …

Bài viết liên quan: Kiến thức chứng khoán phái sinh – VNDIRECT mang đến cho khách hàng

  •  Ví dụ: Tổng công ty cổ phần phân bón và hoá chất dầu khí (DPM) có cổ đông lớn là Tập đoàn dầu khí VN nắm 60% cổ phần. Lợi nhuận ròng tăng đều đặn hàng năm do có cổ đông lớn và sự hỗ trợ lớn của chính phủ. Doanh nghiệp sản xuất phân bón có thương hiệu lớn ở Việt Nam với 880 000 tấn/ năm và sản lượng vẫn chưa đủ cho nhu cầu trong nước nên giá phân bón vẫn tăng. Sản phẩm nòng cốt là phân đạm nên phát triển bền vững. Ngoài ra còn xây dựng mở rộng thêm dây chuyền sản xuất mới.

[CK Cho Người Mới] Phần 8: Cách chọn Cổ Phiếu Đầu Tư

DPM là doanh nghiệp có đông lớn là Tập đoàn dầu khí Việt Nam

– Đặc điểm của doanh nghiêp nhà nước:

  • Ưu điểm:
  1. Được bảo trợ và chống lưng vững chắc.
  2. Được tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho kinh doanh.
  3. Được ưu đãi để dành được các hợp đồng.
  4. Vay vốn ngân hàng dễ và có ưu đãi lãi suất hơn.
  5. Được miễn giảm thuế và vốn lớn.
  • Khuyết điểm:
  1. Ban quản trị: có thể có tham nhũng của giám đốc.
  2. Nhân sự: kém và lỏng lẻo theo kiểu con ông cháu cha.
  3. Lãng phí hoặc hiệu quả đầu tư thấp.
  4. Thực lực kém do yếu tố cạnh tranh về nhân lực thấp.

6.1.2. Doanh nghiệp Tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

  • Ưu điểm và nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân
  1. Ban quản trị có trách nhiệm hơn.
  2. Doanh nhân xem Doanh nghiệp như con của mình.
  3. Phát triển kinh doanh dựa vào nội lực và tài năng thực sự.
  4. Chịu nhiều thiệt thòi hơn Doanh nghiệp nhà nước nên luôn đổi mới hoàn thiện để cạnh tranh.
  • Ví dụ: Doanh nghiệp tư nhân: Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VJC). Vietjet Air hãng hàng không chi phí thấp lớn nhất Việt Nam và là một tên tuổi đang nổi lên trong khu vực. Kể từ chuyến bay đầu tiên năm 2011, VJC đã nhanh chóng tận dụng cơ hội ngành hàng không trong nước bùng nổ và nửa đầu năm 2018 đạt thị phần 45%. Tính đến Quý 3/2018, hãng hàng không này có 56 máy bay, phục vụ trên 39 tuyến trong nước và 64 tuyến quốc tế.

[CK Cho Người Mới] Phần 8: Cách chọn Cổ Phiếu Đầu Tư

Vietjet Air hãng hàng không chi phí thấp lớn nhất Việt Nam

6.2. Phân tích cơ cấu cổ đông và đánh giá ban lãnh đạo

6.2.1. Nhà đầu tư có thể xem cơ cấu cổ đông tại trang web: cafef.vn

– Bước 1: Gõ mã cổ phiếu cần quan tâm vào ô tìm kiếm. Ví dụ: VJC

[CK Cho Người Mới] Phần 8: Cách chọn Cổ Phiếu Đầu Tư

– Bước 2: Truy cập mục “Ban lãnh đạo và sở hữu” => ”Cổ đông lớn” và tìm hiểu những cá nhân và tổ chức đang nắm giữ phần lớn cổ phiếu của doanh nghiệp. Ngoài ra có thể theo dõi được quá trình mua/ bán cổ phiếu của cổ đông lớn tại tab ”GD cổ đông nội bộ và cổ đông lớn”.

[CK Cho Người Mới] Phần 8: Cách chọn Cổ Phiếu Đầu Tư

6.2.2. Đánh giá ban lãnh đạo

– Cần tìm hiểu xem ban lãnh đạo là người như thế nào, có tâm huyết với công ty hay không, những thành tựu đạt được trong quá khứ là gì, có đề cao lợi ích của công ty và cổ đông không, có làm giá cổ phiếu để trục lợi cá nhân ko, nội bộ có đoàn kết không… Nếu nội bộ Ban lãnh đạo có vấn đề thì cổ phiếu sẽ gặp nguy hiểm. Ban lãnh đạo tốt sẽ nắm giữ càng nhiều cổ phiếu càng tốt và hạn chế bán ra còn Ban lãnh đạo xấu sẽ bán dần hoặc mua/ bán liên tục để trục lợi từ việc tăng giảm của cổ phiếu. Vì vậy khi cổ đông lớn hoặc ban lãnh đạo bán dần cổ phiếu là dấu hiệu xấu của công ty.

– Ban lãnh đạo bao gồm: Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Ban kiểm soát. Một Ban lãnh đạo tốt cần người chính trực, có tài, cam kết gắn bó với công ty và có thể có chân rết trong nhà nước. Tuy nhiên cần chú ý nếu Ban lãnh đạo chủ yếu là anh em họ hàng thì cần chú ý tới sự thiếu minh bạch.

Để đánh giá một doanh nghiêp có sản phẩm kinh doanh tốt cần phân tích rất nhiều khía cạnh từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, hệ thống phân phối, tiềm năng tăng trưởng, tuy nhiên có thể đánh giá tổng quan thông các yếu tố chính sau:

  • Doanh nghiệp có sản phẩm kinh doanh tốt, đa dạng, giá thành cao (biên lợi nhuận gộp lớn) và liên tục đột phá mới hiệu quả.
  • Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh lớn: hàng hóa độc quyền trên thị trường, chiếm thị phần lớn, rào cản ngành lớn khiến đối thủ khó gia nhập hoặc được bảo hộ từ nhà nước.

7. Chọn cổ phiếu của doanh nghiệp có sản phẩm kinh doanh đang tích cực.

7.1. Doanh nghiệp có sản phẩm kinh doanh tốt, đa dạng, giá thành cao (biên lợi nhuận gộp lớn) và liên tục đột phá mới hiệu quả.

– Chọn sản phẩm mà ai cũng muốn mua, nhất là khi sản phẩm mới ra.

+ Công ty có sản phẩm tốt và đột phá sẽ có nhiều người mua, doanh số tăng mạnh khiến lợi nhuận đột biến trong tương lai và giá cổ phiếu cũng sẽ tăng theo.

Xem thêm:   Có tiền nên đầu tư vào đâu? Cổ phiếu Mỹ có phải là gợi ý tốt?

– Chọn sản phẩm tiêu dùng thiết yếu có thị trường ngày càng phình to.

+ Sản phẩm có thị trường càng ngày càng lớn và thiết yếu <=> Mức sống và dân số tăng kéo theo thị trường mở rộng <=> Sản lượng tiêu thụ tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng lên <=> Lợi nhuận và giá cổ phiếu cũng sẽ tăng.

– Cách tìm và đánh giá cổ phiếu của một công ty có sản phẩm tiềm năng.

+ Sản phẩm xuất hiện nhiều trong đời sống hàng ngày. Ví dụ: Hàng tiêu dùng, thực phẩm, thuốc men, xăng dầu, dịch vụ vận tải,…

+ Sản phẩm có nhu cầu nội địa cao và được quan tâm nhiều.

+ Sản phẩm xuất khẩu có nhu cầu cao về xu hướng tiêu dùng.

+ Sản phẩm được nhiều người quan tâm và tiềm năng mở rộng được thị phần liên tục.

+ Sản phẩm có doanh thu hàng quý/ hàng năm và giá cổ phiếu đang trên đà tăng trưởng tốt.

Ví dụ: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (mã cổ phiếu: VNM): Thị trường phát triển rộng, hệ thống phân phối lớn, thương hiệu uy tín và tăng trưởng tốt nhờ hai lĩnh vực kinh doanh chính là:

  • Chế biến, sản xuất và kinh doanh sữa tươi, sữa hộp, sữa bột, bột  dinh dưỡng, sữa chua, sữa đặc, sữa đậu nành, nước giải khát và các  sản phẩm từ sữa khác.
  •  Chăn nuôi: Chăn nuôi bò sữa. Hoạt động chăn nuôi nhằm mục đích  chính là cung cấp sữa tươi nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản  phẩm từ sữa của Công ty.

[CK Cho Người Mới] Phần 8: Cách chọn Cổ Phiếu Đầu Tư

VNM là doanh nghiệp sữa hàng đầu, chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam

7.2. Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh lớn: hàng hóa độc quyền trên thị trường, chiếm thị phần lớn, rào cản ngành lớn khiến đối thủ khó gia nhập hoặc được bảo hộ từ nhà nước.

– Những công ty độc chiếm thị trường sẽ phát triển mạnh và kết quả kinh doanh sẽ tốt vì sản phẩm của họ khách hàng buộc phải sử dụng và không phải bận tâm đối phó với các công ty đối thủ. Nếu có cạnh tranh thì sẽ chia làm 2 loại: cạnh tranh hoàn hảo (độc lập, ngang tầm, sản phẩm dồng dạng và tự do ra vào) và cạnh tranh không hoàn hảo (độc chiếm, thôn tính, cá lớn nuốt cá bé). Vì vậy nên đầu tư vào các công ty độc quyền.

– Một số công ty độc quyền:

+ Tổng Công ty Khí Việt Nam (mã chứng khoán: GAS): Độc quyền phân phối khí gas.

+ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airline, mã chứng khoán: HVN), Công ty cổ phần Hàng không VietJet (mã chứng khoán: VJC)

+ Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN.

+ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt nam (Vinacomin)

– Ví dụ: Phân tích về sản phẩm của cổ phiếu GAS:

  • Cơ cấu doanh thu: sản phẩm chủ lực là khí gas (57%)
  • Cơ cấu nguồn khí cung cấp: sản phẩm đến từ đâu và khi nào bị ảnh hưởng.
  • Cơ cấu khách hàng theo sản lượng tiêu thụ: khách hàng chính là điện và những ảnh hưởng từ điện.
  • Ảnh hưởng bởi thế giới: giá dầu thế giới.

[CK Cho Người Mới] Phần 8: Cách chọn Cổ Phiếu Đầu Tư

GAS là doanh nghiệp độc quyền phân phối khí gas

8. Chọn cổ phiếu của doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề được hưởng lợi

8.1. Tầm nhìn về ngành nghề

+ Để có một tầm nhìn tốt về ngành nghề đầu tư cần phải đọc các báo cáo phân tích ngành của các công ty Chứng khoán hoặc các công ty nghiên cứu thị trường. Đồng thời phải quan sát và phán đoán tác động của tin tức lên các nhóm ngành. Ví dụ: khi thấy giá dầu tích lũy và đi lên ổn định thì ngành dầu khí sẽ hưởng lợi nhất, còn ngành vận tải, nhựa, sợi, nhiệt điện đốt dầu và khí … sẽ gặp khó khăn. Hoặc khi tỷ giá ngoại tệ biến động thì những doanh nghiệp xuất khẩu, hoặc có vốn vay nước ngoài lớn như HVN, PPC … sẽ bị ảnh hưởng lớn..

+ Cần tìm hiểu các đặc điểm cơ bản của ngành nghề (chuỗi giá trị, hoạt động kinh doanh, yếu tố cung – cầu, rủi ro đầu tư, chính sách pháp luật, tác động quốc tế …) và đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

8.2. Có 2 nhóm ngành chính

+ Nhóm ngành bấp bênh: chịu ảnh hưởng biến động của chu kỳ kinh tế.

+ Nhóm ngành tăng trưởng dài hạn: không bị ảnh hưởng nhiều hoặc không bị tác động.

–  Khi có biến động mạnh và rủi ro từ kinh tế vĩ mô hoặc quốc tế thì nên chọn ngành tăng trưởng dài hạn, ngược lại khi không có biến động lớn thì chọn ngành nghề bấp bênh mà được hưởng lợi lớn từ các thay đổi đó . Ví dụ: Ngành tiêu dùng là ngành tăng trưởng dài hạn rất ổn định và bề vững do nhu cầu tiêu dùng tăng dần khi dân số và mức sống đều phát triển, còn ngành công nghệ thì lại có bước đột phá khi có nền tảng công nghệ mới nhưng sau một thời gian sẽ bão hòa.

– Ví dụ: Ba công ty tiêu biểu của 3 ngành tăng trưởng dài hạn:

   * Công ty CP sữa VN (VNM): ngành sữa

   * Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG): ngành dược

   * Công ty CP tập đoàn MaSan (MSN): ngành thực phẩm

[CK Cho Người Mới] Phần 8: Cách chọn Cổ Phiếu Đầu Tư

Chu kỳ kinh tế theo sóng ngành

8.3. Các yếu tố ảnh hưởng lên ngành nghề và các ví dụ phân loại ngành nghề trong thực tiễn

8.3.1. Một ngành bị ảnh hưởng bởi 4 yếu tố

– Sản phẩm kinh doanh, dịch vụ.

– Đối tượng phục vụ (doanh nghiệp/ khách hàng nhỏ).

– Chu kì tăng trưởng khác nhau.

– Chịu ảnh hưởng của nền kinh tế tác động.

Bài viết liên quan: Cách chơi chứng khoán mang lại hiệu quả cao sinh lời “cực khủng”

8.3.2. Phân loại các ngành có hướng tăng trưởng lâu dài

+ Ngành thực phẩm – đồ uống: Ví dụ: Ngành sữa có nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng.

+ Ngành Dược phẩm: giá thuốc ngày càng tăng.

+ Hàng tiêu dùng: tăng trưởng đều 30%/ năm vì thị trường càng mở rộng.

=> Đặc điểm các ngành này là: An toàn, sản phẩm thiết yếu, kinh doanh thuận lợi, tiềm năng tăng trưởng tốt, ít chịu biến động bởi khủng hoảng. Do vậy giá cổ phiếu thường ổn định, tăng trưởng tốt, ít đột biến nhưng tăng chậm. => Nên đầu tư dài hạn hoặc đầu tư tăng trưởng, nhất là khi có thông tin trả cổ tức cao hoặc mở rộng thêm được thị phần mới hay phát triển được sản phẩm mới tiềm năng.

8.3.3. Phân loại các ngành bấp bênh

+ Các ngành này tăng trưởng mạnh khi kinh tế phục hồi nhưng lại giảm mạnh khi kinh tế suy thoái. Điển hình là: ngành ngân hàng, chứng khoán, đầu tư tài chính, bất động sản, thuỷ sản, khoáng sản. vận tải biển…

+ Các công ty ngành này bị tác động bởi: thuế, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất ngân hàng, chính sách nhà nước, khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

+ Ví dụ: Các công ty chính của các ngành là:

– Ngân hàng: STB, VCB, CTG, SHB …

– Chứng khoán: SSI, HCM, SHS, VND …

– Vận tải: VNS, GMD, VSC…

 => Nên đầu tư tăng trưởng hoặc đầu tư lướt sóng ở giai đoạn thuận lợi hoặc theo tính chu kỳ.

8.4. Chọn ngành nghề đầu tư: Luôn bám sát nhu cầu cơ bản của con người

+ Biểu đồ Maslow: Theo Maslow, về căn bản, nhu cầu của con người được chia làm hai nhóm chính: nhu cầu cơ bản (basic needs) và nhu cầu bậc cao (meta needs).

[CK Cho Người Mới] Phần 8: Cách chọn Cổ Phiếu Đầu Tư

Biểu đồ Maslow: Các nhu cầu của con người

+ Nhu cầu cơ bản liên quan đến các yếu tố thể lý của con người như mong muốn có đủ thức ăn, nước uống, được nghỉ ngơi… Những nhu cầu cơ bản này đều là các nhu cầu không thể thiếu hụt vì nếu con người không được đáp ứng đủ những nhu cầu này, họ sẽ không tồn tại được nên họ sẽ đấu tranh để có được và tồn tại trong cuộc sống hàng ngày.

Xem thêm:   Xác định Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại KBSV

+ Các nhu cầu cao hơn nhu cầu cơ bản trên được gọi là nhu cầu bậc cao. Những nhu cầu này bao gồm nhiều nhân tố tinh thần như sự đòi hỏi công bằng, an tâm, an toàn, vui vẻ, địa vị xã hội, sự tôn trọng, vinh danh với một cá nhân v.v.

+ Các nhu cầu cơ bản thường được ưu tiên chú ý trước so với những nhu cầu bậc cao này. Với một người bất kỳ, nếu thiếu ăn, thiếu uống… họ sẽ không quan tâm đến các nhu cầu về vẻ đẹp, sự tôn trọng…Tuy nhiên, tuỳ theo nhận thức, kiến thức, hoàn cảnh, thứ bậc các nhu cầu cơ bản có thể đảo lộn. Ví dụ như: người ta có thể hạn chế ăn, uống, ngủ nghỉ để phục vụ cho các sự nghiệp cao cả hơn.

+ Khi khủng hoảng thì nhu cầu bậc cao (bậc updating) bị giảm bớt còn bậc thấp (bậc 1 + 2) không giảm => Đầu tư dài hạn vào những công ty mà người dân có nhu cầu nhiều nhất và đầu tư ngắn hạn ở các nhu cầu cao hơn.

9. Chọn cổ phiếu có tính thanh khoản tốt

9.1. Thanh khoản là gì? 

Thanh khoản là giá trị giao dịch của cổ phiếu trên thị trường, được tính theo công thức: Thanh khoản = Khối lượng cổ phiếu giao dịch x giá khớp.

+ Ví dụ: VNM hôm nay tổng khối lượng khớp lệnh là 100k CP với giá trung bình là 200k VNĐ thì thanh khoản trung bình sẽ là: 100k x 200k = 20 tỷ VNĐ.

+ Thanh khoản thấp: Giá trị giao dịch (lượng tiền luân chuyển) thấp.

+ Thanh khoản cao: Giá trị giao dịch (lượng tiền luân chuyển) cao, nghĩa là mua – bán với lượng lớn tương đương nhau.

9.2. Một cổ phiếu có thanh khoản cao cần phải có các yếu tố

[CK Cho Người Mới] Phần 8: Cách chọn Cổ Phiếu Đầu Tư9.3. Đặc điểm của thanh khoản

+ Thanh khoản tăng hoặc giảm khi thị trường biến động mạnh, trong thị trường tăng (uptrend) thì thanh khoản có xu hướng tăng dần và ngược lại. Vì thường thị trường tăng sẽ hấp dẫn nhiều người tham gia giao dịch hơn.

* Kết luận chung về chọn cổ phiếu theo thanh khoản:

+ Chọn cổ phiếu có thanh khoản cao vì nếu công ty tốt nhưng cổ phiếu có thanh khoản thấp thì dù giá cổ phiếu cao cũng khó bán, và cổ phiếu có thanh khoản thấp dễ bị đầu cơ làm giá.

+ Thanh khoản mà tự nhiên tăng hoặc giảm mạnh đột biến thì nên cân nhắc ngay vì khả năng có biến động mạnh xảy ra. Thông thường thị trường tăng mà thanh khoản yếu dần thường sẽ điều chỉnh hoặc thị trường giảm mà thanh khoản tăng dần (sau khi đã cạn kiệt) báo hiệu sự hồi phục.

Ngoài ra cần quan sát bong bóng vốn hoá hằng ngày để xem sự tăng giảm của các ngành nghề tác động lên thanh khoản. Xem tại: http://finance.vietstock.vn/

[CK Cho Người Mới] Phần 8: Cách chọn Cổ Phiếu Đầu Tư

Biểu đồ vốn hóa (Nguồn: Vietstock.vn)

+ Trên biểu đồ cho biết những cổ phiếu có bong bóng càng phình to thì vốn hoá (= số cổ phiếu đang lưu hành x giá cổ phiếu hiện tại) càng lớn. Nghĩa là mức tác động đến thị trường cũng sẽ lớn và là những cổ phiếu đang được giao dịch nhiều nhất.

+ Năm màu sắc của bong bóng từ trái sang phải tương ứng với độ tăng giảm giá của cổ phiếu đó. Nhóm màu tím tăng mạnh nhất còn xanh da trời giảm mạnh nhất, màu vàng là bằng giá tham chiếu (giá đóng cửa của phiên giao dịch trước).

10. Chọn cổ phiếu có nhiều quỹ đầu tư lớn tham gia

– Một trong những phương pháp đầu tư  an toàn được sử dụng nhiều trên thế giới là đầu tư theo danh mục các quỹ lớn, tuy nhiên các quỹ lớn thường đầu tư với tỷ trọng lớn và tầm nhìn nhiều năm, phù hợp với phong cách đầu tư dài hạn hơn là ngắn hạn.

– Nếu có quỹ đầu tư vào thì thanh khoản sẽ tăng mạnh gây biến động giá. Nên tham khảo danh mục của các quỹ đầu tư vì:

  • Các cổ phiếu được quỹ chọn có yếu tố cân bằng tốt và thanh khoản tốt.
  • Có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đánh cùng danh mục của các quỹ.
  • Quỹ là chủ thể quan trọng trong thị trường vì họ mua bán với số lượng lớn.
  • Đa số các quỹ nghiên cứu cổ phiếu rất kỹ trước khi đầu tư. Hệ thống lựa chọn cổ và phân tích cổ phiếu của quỹ rất chuyên nghiệp.
  • Một cổ phiếu được nhiều quỹ lớn sở hữu thì lượng hàng trôi nổi trên thị trường còn rất ít và rất dễ tăng giá. Tuy nhiên rủi ro giảm giá sẽ tăng cao khi nhiều quỹ muốn bán ra.

– Chú ý động thái đầu tư của các quỹ khi thêm bớt 1 mã CP hay tăng giảm % khối lượng cổ phiếu nào đó trong danh mục vì nó tác động lên giá cổ phiếu. Tuy nhiên không nên bắt trước hoàn toàn danh mục đầu tư của các quỹ để tránh đầu cơ kéo giá. Đặc biệt trong ngắn hạn khi thị trường chung kém tích cực hoặc có nhiều quỹ muốn bán cổ phiếu, khi đó khả năng giảm giá rất lớn.

[CK Cho Người Mới] Phần 8: Cách chọn Cổ Phiếu Đầu Tư

Thị trường biến động khá mạnh khi quỹ ETF cơ cấu danh mục

– Một số quỹ đầu tư lớn cần tham khảo:

  • FTSE Vietnam UCITS ETF: do FTSE Group xây dựng, đầu tư theo chỉ số FTSE Vietnam Index. Link: http://www.ftse.com
  • Market Vector Vietnam ETF: do Van Eck Global quản lý, đầu tư theo chỉ số Market Vector Vietnam Index. Link: http://www.vaneck.com/market-vectors/equity-etfs/vnm/holdings/
  • MSCI Frontier Markets Index ETF : do Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) quản lý, đầu tư dựa trên chỉ số tham chiếu MSCI Frontier Markets Index.
  • IShares MSCI Frontier 100 Index Fund, và iShare MSCI Vietnam Investable Market Index Fund ETF: do công ty quản lý quỹ ETF lớn nhất thế giới iShares thành lập, mô phỏng theo chỉ số MSCI Vietnam Investable Market Index và MSCI Vietnam IMI.
  • DWS Vietnam Fund Limited (DVF): do Deustche Bank quản lý, đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam từ 2006.
  • Ngoài ra còn có các quỹ như: Mutual Fund Elite (Non-UCITS), VFMVF1 – Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam…

Chú ý: Danh mục đầu tư của quỹ gồm rất nhiều mã cổ phiếu và tỷ trọng thay đổi liên tục, vì vậy nhà đầu tư chỉ nên tham khảo và chọn lựa những cổ phiếu tốt nhất, không nên đầu tư theo một cách máy móc.

[CK Cho Người Mới] Phần 7: Các Cổ Phiếu Không Nên Đầu Tư (Click: Link  )

[CK Cho Người Mới] Phần 9: Các yếu tố ảnh hưởng tới giá cổ phiếu (Click: Link  )

Nguồn TKNDKTCS2030: https://wiki.thongkenhadat.com
Danh mục (THONGKENHADAT): Cách đầu tư chứng khoán

error: Alert: Content is protected !!